Cách trung tâm Đà Lạt 12 km về phía Bắc, thuộc địa phận thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, Lang Biang được đánh giá là khu du lịch sinh thái mang vẻ đẹp hoang sơ thuần khiết nhất của vùng sơn cước. Điều thú vị là cùng 1 khu du lịch sinh thái, nhưng Lang Biang lại chia làm 5 khu vực du lịch khác nhau để luôn làm hài lòng bất cứ du khách nào.
Khu vực thứ nhất là khu đón tiếp. Đến đây, khách du lịch được tiếp đón và hướng dẫn cẩn trọng, tỷ mỉ về hành trình chuyến thăm quan như thế nào cho hiệu quả, đồng thời cung cấp các dịch vụ leo núi nếu du khách có nhu cầu.
Theo cô hướng dẫn viên bản địa, để lên tới đỉnh núi Lang Biang có ba cách: Đi xe Uoát, đi bộ hoặc leo bằng dây. Cách thông thường du khách chọn là thuê những chiếc Uoát màu xanh của Khu du lịch Lang Biang rồi tự lái trên con đường trải nhựa dài 6 km từ chân núi đi quanh co trong rừng thông để lên tới đỉnh. Nhưng xem ra cách này hết sức thông thường, chỉ hợp với người già và trẻ nhỏ. Còn khách du lịch quốc tế hay thanh niên thường chọn loại hình dù lượn, xuống núi bằng dây. Cảm giác này thì khỏi phải tả, du khách như được bay trên đỉnh đồi, thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi. Nếu du khách chọn cách đi bộ thì càng tuyệt vời, bởi có thể bắt gặp nhiều loài cây lâu năm như chò sót, chò nước, pơmu, thông năng, thông chàm, thông 5 lá (loại cây rất hiếm, chỉ có ở vùng núi cao như Lang Biang), thông hai lá dẹt (loại thông quý hiếm trên thế giới, thân lớn, cao trên 20 m), dổi, long não, thông tre, thông lông gà…
Giữa bạt ngàn rừng thông, du khách có thể còn gặp một số loại cây thuốc quý như đại bi, nam sâm, ngưu tất nam, bổ cốt toái, hoàng liên ô rô… Hay chắc chắn được thưởng ngoạn lan rừng, bởi ở đây có hơn 300 loài lan như thanh lan, hoàng lan, hồng lan, vân hài, bạch phượng, tuyết ngọc, mắt trúc, bạch nhạn, lan sứa, lá gấm…; cùng nhiều loài chim quý hiếm chỉ có ở Lang Biang như Yersingist, Langbiangist; hay các loài thú quý như nai xám, nai cà tong, hươu vàng, sóc bay, sóc vằn, gấu chó, chồn dơi, khỉ, vượn đen, trĩ sao, gà lôi hông tía…
Khu vực thứ hai là Thung lũng trăm năm. Nơi đây được thiết kế thành một khu du lịch nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi với các dãy nhà sàn, sân tennis, nhà hàng đặc sản, sân lửa trại, nơi biểu diễn cồng chiêng. Hầu như du khách đến với Đà Lạt đều không thể bỏ qua Lang Biang và càng không thể không đến Thung Lũng trăm năm. Mỗi năm, có tới hàng ngàn lượt du khách đến đây thưởng ngoạn không gian văn hóa cồng chiêng, xem những người phụ nữ dệt thổ cẩm, những người đàn ông đánh đồng la, thổi khèn bầu, tù và, sử dụng các nhạc cụ bằng lồ ô, tre, gỗ… Đặc biệt, vừa thưởng ngoạn các tiết mục biểu diễn vừa nhâm nhi rượu cần và thịt nướng thì chẳng gì bằng. Càng về khuya, âm thanh của đồng la càng như trỗi dậy trong bản nhạc rộn rã, tha thiết, mời gọi. Chính sự hấp dẫn lạ kỳ ấy đã thúc đẩy hình thành tại đây Câu lạc bộ cồng chiêng gồm 10 đội tổ chức biểu diễn phục vụ du khách vào ban đêm. Khi du khách yêu cầu, họ tổ chức đốt lửa trại, diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc; múa, hát các nhạc phẩm riêng của dân tộc mình về phong tục, tập quán cổ xưa của tổ tiên…
Khu vực thứ ba là bãi Mimosa, nằm cách khu vực đón tiếp khoảng 1,5 km. Đến khu vực này, du khách được đi trên chiếc cầu treo của người dân tộc, cảm nhận được cái cảm giác “như thực như mơ” trên cao nguyên. Nhà hàng ở đây được thiết kế theo kiểu dáng nhà sàn của đồng bào dân tộc bản địa. Nếu rảnh rang ngồi đây vừa nhâm nhi các món thịt nướng vừa tìm hiểu cuộc sống buôn làng của người Cill, người Lạch mới thấy hết được những nét đặc sắc của giá trị văn hóa bản địa.
Thứ tư là đồi Dankia. Với độ cao 1.950 m so với mực nước biển, từ đây, du khách cũng có thể ngắm trọn vẹn TP.Ðà Lạt mộng mơ hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Phía tây là hồ Dankia – Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi. Khung cảnh đồi Dankia thích hợp để khách du lịch tổ chức cắm trại qua đêm, ngắm nhìn TP.Đà Lạt sáng lung linh trong ánh đèn đêm.
Cuối cùng là đỉnh Lang Biang cao 2.167m. Trên đỉnh núi có hình tượng đôi tình nhân đang bay lượn như kể lại câu chuyện tình yêu tạo nên truyền thuyết Lang Biang. Đó là mối tình say đắm của nàng Lang – người dân tộc Cill và chàng Biang – người dân tộc Lạch. Họ yêu nhau, nhưng do tập tục khắt khe của hai tộc người nên nàng Lang không bắt được Biang làm chồng. Họ nguyện bảo vệ tình yêu, mãi mãi không chia lìa bằng cách chết bên nhau. Ngưỡng mộ và thương cảm trước tình yêu chung thủy và say đắm của đôi trai gái này, các loài chim, thú, cây, cỏ đã bảo nhau xây đắp dần thành hai nấm mộ cho nàng Lang và chàng Biang. Lâu dần thành ngọn núi với hai đỉnh vượt cao vững chãi giữa trời xanh gọi là Lang Biang – nơi mà bất cứ du khách nào đến Đà Lạt cũng mong được một lần chinh phục.